Triệu chứng có thể gặp của bệnh đái tháo đường là gì?
Đái tháo đường (ĐTĐ) được phân loại như sau: Đái tháo đường tuýp 1, đái tháo đường tuýp 2 và đái tháo đường thai kỳ. Mỗi loại đái tháo đường lại có những đặc điểm bệnh lý khác nhau mà bạn cần chú ý.
Nhìn chung, khi mắc đái tháo đường, bạn sẽ có ba dấu hiệu chính: ăn nhiều, uống nhiều, sụt cân. Ngoài ra, còn các dấu hiệu khác như tiểu nhiều, nhìn mờ, lâu lành vết thương…
Mỗi loại tiểu đường sẽ có các biểu hiện khác nhau, chúng ta cùng tìm hiểu đặc điểm của chúng nhé.
Dấu hiệu nhận biết tiểu đường
Triệu chứng của bệnh ĐTĐ tuýp 1
Đái tháo đường tuýp 1 đa số gặp ở trẻ nhỏ, trẻ vị thành niên. Nguyên nhân có thể là do di truyền, do sự tự phá hủy các tế bào sản xuất insulin tuyến tụy dẫn đến thiếu hụt insulin. Khi đường không được hấp thu vào tế bào để chuyển hóa thành năng lượng sẽ gây ra hiện tượng đói tế bào. Do đó, cơ thể người mắc đái tháo đường tuýp 1 cũng có các biểu hiện rầm rộ như: háo ăn, đói nhanh, tăng cảm giác khát nhưng lại sút cân không rõ nguyên do. Đi tiểu nhiều, mệt mỏi, nhìn mờ cũng là những triệu chứng có thể xuất hiện ở đái tháo đường tuýp 1.
Triệu chứng của bệnh ĐTĐ tuýp 2
Đái tháo đường tuýp 2 thường gặp ở người trên 45 tuổi có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng này như thừa cân, béo phì, lười vận động, mỡ máu cao… Cũng như đái tháo đường tuýp 1, đái tháo đường tuýp 2 cũng có dấu hiệu chính: tăng cảm giác đói, khát đồng thời đi kèm với tiểu nhiều đặc biệt tiểu nhiều về đêm. Mệt mỏi, thay đổi cảm xúc, mắt nhìn mờ, đặc biệt vết thương khó lành là những triệu chứng có thể thấy ở đái tháo đường tuýp 2. Người mắc đái tháo đường tuýp 2 có thể có hoặc không có dấu hiệu sụt cân không kiểm soát. Đôi khi chỉ giảm ít cân nên không được người bệnh chú ý. Các biểu hiện đái tháo đường tuýp 2 thường xuất hiện kín đáo hơn so với đái tháo đường tuýp 1
Người bị đái tháo đường tuýp 2 rất dễ bị nhiễm trùng do lượng đường trong máu cao. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến vết thương khó lành, dễ trở thành môi trường cho vi sinh vật phát triển gây loét, hoại tử vết thương.
Triệu chứng của bệnh ĐTĐ thai kỳ
Hầu hết phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ không có bất kỳ triệu chứng nào. Tình trạng này thường được phát hiện khi xét nghiệm đường huyết định kỳ hoặc nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống thường được thực hiện từ tuần thứ 24 đến 28 của tuổi thai. Trong một số trường hợp hiếm hoi, phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ cũng sẽ cảm thấy khát nước hoặc đi tiểu nhiều hơn.
Nên làm gì khi có các biểu hiện của bệnh đái tháo đường?
Các biểu hiện nhận biết của đái tháo đường là nhanh đói, ăn nhiều, khát nhiều và đôi khi là sụt cân không rõ nguyên nhân. Ngoài ra, còn có các dấu hiệu đi kèm khác như tiểu nhiều, mệt mỏi, mắt nhìn mờ… Đây là những dấu hiệu cho thấy sự bất thường của sức khỏe mà bạn cần chú ý theo dõi.
Ban đầu, có thể bạn thấy các dấu hiệu chưa quá rõ ràng nhưng điều bạn cần làm là đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và làm xét nghiệm xác định tiểu đường . Đừng ngần ngại hay chờ đợi cho đến khi các triệu chứng đã trở nên nặng nề mới cần sự hỗ trợ của y tế. Các bác sĩ sẽ luôn cho bạn lời khuyên tốt nhất để điều trị cũng như kiểm soát căn bệnh đái tháo đường.
Đến gặp ngay bác sĩ khi bạn có những dấu hiệu của đái tháo đường
Với sự phát triển của công nghệ cũng như các thiết bị y tế hiện nay, bạn có thể kiểm tra đường máu ngay tại nhà. Các thiết bị này chỉ có tính hỗ trợ định hướng không thể chẩn đoán xác định bạn có mặc đái tháo đường hay không. Điều cần làm vẫn là đến thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín để có kết quả chính xác nhất, đồng thời các đội ngũ bác sĩ sẽ cho bạn lời khuyên cũng như phác đồ điều trị hiệu quả.
Đánh giá của Khách Hàng